Trong bài 2 toán lớp 6, các bạn sẽ được tìm hiểu về tập hợp số tự nhiên. Cần nắm vững kiến thức số tự nhiên là gì, dãy số tự nhiên, số tự nhiên bé nhất, số tự nhiên lớn nhất. Số tự nhiên chẳn, số tự nhiên lẻ là gì?
Tóm tắt nội dung
Lý thuyết về Tập hợp số tự nhiên
1. Tập hợp các số tự nhiên
– Các số 0; 1; 2; 3; 4… là các số tự nhiên. Tập hợp các số tự nhiên được kí hiệu là N. Như vậy, ta có tập hợp: N = {0; 1; 2; 3; 4;…..}
– Tập hợp các số tự nhiên khác 0 được kí hiệu là N*. Như vậy, N* = {1; 2; 3; 4; 5;…..}
– Mỗi số tự nhiên được biểu diễn bởi một điểm trên tia số. Trên tia số, điểm biểu diễn số nhỏ nằm bên trái điểm biểu diễn số lớn. Tia số tự nhiên được biểu diễn như sau:
2. Thứ tự trong tập hợp số tự nhiên
– Trong hai số tự nhiên khác nhau, có một số nhỏ hơn số kia, ta viết a < b hoặc b > a
Ngoài ra ta viết a ≥ b để chỉ a > b hoặc a = b; viết a ≤ b để chỉ a < b hoặc a = b.
– Nếu a < b và b < c thì a < c (Đây còn gọi là tính chất bắt cầu của số tự nhiên).
Ví dụ: 5 < 10 và 10 < 15 thì hiển nhiên 5 < 15.
– Hai số tự nhiên liên tiếp nhau thì hơn kém nhau 1 đơn vị. Mỗi số tự nhiên có một số liền sau duy nhất và một số liền trước duy nhất.
Ví dụ: Số 3 có số liền trước là số 2 và số liền sau là số 4. Số 4 có số liền trước là số 3 và số liền sau là số 5.
– Số 0 là số tự nhiên bé nhất. Không có số tự nhiên lớn nhất.
– Tập hợp các số tự nhiên có vô số phần tử. Và cũng có vô số tập hợp con.
Trả lời câu hỏi bài 2 trang 7, SGK toán 6 tập 1
Câu hỏi Bài 2 trang 7, SGK Toán 6 Tập 1
Điền vào chỗ trống để ba số ở mỗi dòng là ba số tự nhiên liên tiếp tăng dần:
28, …, …
…, 100, …
Lời giải
28 ; 29 ; 30
99 ; 100 ; 101
Ghi chú: Để có 3 số tự nhiên liên tiếp tăng dần, ta phải :
– Điền vào chỗ trống 2 số liền sau của 28 là 29 ; 30.
– Điền vào chỗ trống số liền trước và số liền sau của 100 là 99 ; 101.
Giải bài tập 6,7,8,9,10 trang 7,8 SGK Toán 6 – tập 1
Bài 6 trang 7, SGK Toán 6 – tập 1
a) Viết số tự nhiên liền sau mỗi số:
17; 99; a (với a ∈ N).
b) Viết số tự nhiên liền trước mỗi số:
35; 1000; b (với b ∈ N*).
Giải:
a) 18; 100; a + 1.
b) 34; 999; b – 1 (Vì b ∈ N* nên b ≠ 0)
Lưu ý: Số liền trước của một số tự nhiên nhỏ hơn số đó 1 đơn vị. Như vậy mọi số tự nhiên đều có số liền trước trừ số 0.
Bài 7 trang 8, SGK Toán 6 – tập 1
Viết các tập hợp sau bằng cách liệt kê các phần tử:
a) A = {x ∈ N | 12 < x < 16};
b) B = { x ∈ N* | x < 5};
c) C = { x ∈ N | 13 ≤ x ≤ 15}
Giải:
a) Vì x > 12 nên 12 ∉ A và x < 16 nên 16 ∉ A. Vậy A = {13; 14; 15}
b) B = {1; 2; 3; 4}.
Chú ý: 0 ∉ N*.
c). Vì 13 ≤ x nên 13 C; tương tự 15 C. Vậy C = {13; 14; 15}.
Bài 8 trang 8, SGK Toán 6 – tập 1
Viết tập hợp A các số tự nhiên không vượt quá 5 bằng hai cách. Biểu diễn trên tia số các phần tử của tập hợp A.
Giải:
Ở đây ta hiểu là các số tự nhiên không vượt quá 5 có nghĩa là các số tự nhiên lớn hơn hoặc bằng 0 và nhỏ hơn hoặc bằng 5. Như vậy tập hợp A ta có 02 cách viết như sau:
Cách 1: (Liệt kê các phần tử) A = {0; 1; 2; 3; 4; 5}
Cách 2: (Dùng tính chất đặc trưng cho các phần tử) A = { x ∈ N | x ≤ 5}.
Biểu diễn trên tia số các phần tử của tập hợp A như sau:
Bài 9 trang 8, SGK Toán 6 – tập 1
Điền vào chỗ trống để hai số ở mỗi dòng là hai số tự nhiên liên tiếp tăng dần:
…,8
a,…
Giải:
7, 8
a, a + 1
Ghi chú: Ta chỉ cần nhớ số tự nhiên liền sau của một số sẽ lớn hơn số đó 1 đơn vị là được.
Bài 10 trang 8, SGK Toán 6 – tập 1
Điền vào chỗ trống để ba số ở mỗi dòng là ba số tự nhiên liên tiếp giảm dần:
…,4600,…
…, …, a.
Giải:
Vì là số tự nhiên liên tiếp giảm dần nên đứng trước số 4600 sẽ là số liền sau của số 4600 (lớn hơn 4600 một đơn vị), tức là số 4601, số đứng sau số 4600 sẽ là số liền trước số 4600 (nhỏ hơn 4600 một đơn vị), tức là số 4599.
Tương tự đưng trước số a sẽ là hai số tự nhiên liền sau liên tiếp.
Như vậy đáp án sẽ là:
4601; 4600; 4599.
a + 2; a + 1; a.
Như vậy là các bạn vừa ôn lại lý thuyết bài 2 toán lớp 6 Tập hợp số tự nhiên. Đồng thời các bạn còn được hướng dẫn giải bài tập bài 2 trang 7, 8 SGK toán lớp 6 tập 1. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.
Bài viết liên quan