Giải toán lớp 6 bài 7 trang 119 SGK về độ dài đoạn thẳng. Hướng dẫn làm bài tập 40, 41, 42, 43, 44, 45 trang 119 SGK toán lớp 6 tập 1.

Lý thuyết về độ dài đoạn thẳng

1. Độ dài đoạn thẳng

Mỗi đoạn thẳng có một độ dài. Độ dài là một số dương. Độ dài đoạn thẳng AB cũng còn gọi là khoảng cách giữa hai điểm A và B.

Khi hai điểm A và B trùng nhau, ta nói khoảng cách giữa hai điểm A và B bằng 0.

2. So sánh hai đoạn thẳng

– Hai đoạn thẳng bằng nhau nếu có cùng độ dài.

– Đoạn thẳng lớn hơn có độ dài lớn hơn.

Ví dụ:

So sánh các đoạn thẳng AB = 3cm, CD = 3cm, EG = 4cm. Ta nói:

– Hai đoạn thẳng AB và CD bằng nhau hay có cùng độ dài và kí hiệu AB = CD.

– Đoạn thẳng EG dài hơn (lớn hơn) đoạn thẳng CD và kí hiệu EG > CD.

– Đoạn thẳng AB ngắn hơn (nhỏ hơn) đoạn thẳng EG và kí hiệu AB < EG.

Trả lời câu hỏi bài 7 trang 118 SGK toán lớp 6 tập 1

Câu hỏi 1 Bài 7 trang 118 SGK toán lớp 6

Cho các đoạn thẳng trong hình 41.

a) Hãy đo và chỉ ra các đoạn thẳng có cùng độ dài rồi đánh dấu giống nhau cho các đoạn thẳng bằng nhau.

b) So sánh hai đoạn thẳng EF và CD.

Giải:

a) Đoạn thẳng có cùng độ dài với nhau là EF và GH; AB và IK

Đánh dấu: EF = GH; AB = IK

b) EF < CD

Câu hỏi 2 Bài 7 trang 118 SGK toán lớp 6

Sau đây là một số dụng cụ đo độ dài (hình 42a, b, c). Hãy nhận dạng các dụng cụ đó theo tên gọi của chúng: thước gấp, thước xích, thước dây.

Giải:

a) Thước dây

b) Thước gấp

c) Thước xích

Câu hỏi 3 Bài 7 trang 118 SGK toán lớp 6

Hình 43 là thước đo độ dài mà học sinh châu Mỹ thường dùng. Đơn vị độ dài là inh-sơ (inch). Hãy kiểm tra xem 1 inh-sơ bằng khoảng bao nhiêu milimét.

Giải:

1 inh – sơ bằng khoảng 25 milimét

Giải bài tập bài 7 trang 119 SGK toán lớp 6 tập 1

Bài 40 trang 119 SGK toán lớp 6

Đo độ dài hộp của một số dụng cụ học tập (bút chì, thước kẻ, hộp bút,…)

Giải:

Các bạn tự dùng thước đo theo yêu cầu bài toán và ghi lại kết quả nhé.

Bài 41 trang 119 SGK toán lớp 6

Đo kích thước của nền nhà lớp học (hoặc bảng hoặc bàn giáo viên,…) rồi  điền vào chỗ trống:

Chiều dài: ………

Chiều rộng: ………

Giải:

Các bạn cũng tự dùng thước đo để đo kích thước của nền nhà lớp học (hoặc bảng hoặc bàn giáo viên,…) và ghi lại kết quả đo nhé.

Bài 42 trang 119 SGK toán lớp 6

So sánh hai đoạn thẳng AB và AC trong hình 44 rồi đánh dấu giống nhau cho các đoạn thẳng bằng nhau.

Giải:

Ta có: AB = AC= 28mm.

Bài 43 trang 119 SGK toán lớp 6

Sắp xếp độ dài các đoạn thẳng AB, BC, CA trong hình 45 theo thứ tự tăng dần.

Giải:

Đo độ dài các đoạn thẳng ta được: AB = 30mm;  BC= 35 mm; AC= 18 mm. Ta có: AC < AB < BC, Vậy thứ tự tăng dần các đoạn thẳng AB, BC, CA là AC, AB, BC.

Bài 44 trang 119 SGK toán lớp 6

a) Sắp  xếp độ dài các đoạn thẳng AB, BC, CD, DA trong hình 46 theo thứ tự giảm dần.

b) Tính chu vi hình ABCD (tức tính AB + BC + CD + DA)

Giải:

a) Ta đo được độ dài các đoạn thẳng như sau:

AB= 12mm; BC= 16mm;  CD= 25mm; DA= 30mm.

Ta có: DA> CD> BC> AB. Vậy thứ tự giảm dần các đoạn thẳng AB, BC, CD, DA là DA, CD, BC, AB.

b) Chu vi của hình ABCD là: 12 + 16 + 25 + 30 = 83(mm).

Bài 45 trang 119 SGK toán lớp 6

Đố: Nhìn hình 47 a, b, đoán xem hình nào có chu vi lớn hơn? Hãy đo để kiểm tra dự đoán.

Giải:

Nhìn hình 47 a, b ta thấy hình b) có tổng chiều dài các cạnh có thể lớn hơn hình a). Vậy ta đoán hình b) có chu vi lớn hơn.

Kiểm tra thấy chu vi hình a) là 78mm, chu vi hình b) là 86 mm. Vậy dự đoán là chính xác.